1Công nghệ Apple AirPrint
Nhằm khắc phục các nhược điểm trong việc đồng bộ thiết bị khi in qua Bluetooth và loại bỏ thao tác cài đặt trình điều khiển khi in qua Wi-Fi, Apple đã cho ra đời công nghệ AirPrint.
AirPrint chuyên dùng hỗ trợ in ấn tài liệu cho các thiết bị Apple, có hệ điều hành iOS và Mac OS.
Với AirPrint, người dùng không cần cài đặt trình điều khiển cho máy in, cũng không cần thực hiện đồng bộ, các thiết bị Apple sẽ tự động phát hiện máy in AirPrint trong cùng mạng và bạn có thể in ấn tài liệu ngay mà không cần thực hiện bất kỳ quy trình cấu hình nào khác.
Hầu hết các mẫu máy in hiện nay đều có tính năng tương thích AirPrint với các chuẩn in ấn không dây khác, tạo sự thuận tiện tối đa cho công việc in ấn tài liệu của người dùng.
2Công nghệ Canon Mobile Printing
Canon Mobile Printing cũng như AirPrint của Apple, nó là ứng dụng in không dây của hãng Canon phát triển trên Smartphone.
Canon Mobile Printing sử dụng cho các máy in laser Canon (ngoại trừ các series PIXMA, SELPHY, MAXIFI), máy in laser đa chức năng chuyên dùng in ảnh, các tài liệu PDF, web, Microsoft Office và các nội dung khác từ Smartphone, máy tính bảng dùng hệ điều hành Android và iOS.
Thiết bị có công nghệ Canon Mobile Printing tự động thăm dò các máy in có sẵn trong cùng 1 mạng hoặc người dùng có thể tìm kiếm thủ công bằng cách nhập địa chỉ IP hay FQDN và có thể in ấn trực tiếp.
3Công nghệ Google Cloud Print 2.0
Cloud Print 2.0 là công nghệ in không dây do Google phát triển, sử dụng cho máy in có hỗ trợ Cloud Print, các máy in này khi kết nối với mạng không dây sẽ sử dụng giống như các máy in Wi-Fi thông thường khác.
Nếu bạn kết nối máy in với tài khoản Google của mình, bạn có thể in ấn tài liệu qua Cloud Print 2.0 từ bất kỳ thiết bị nào, bạn còn có thể chia sẻ máy in với bạn bè thông qua tài khoản Google dễ dàng.
Cloud Print được tích hợp cho cả hệ điều hành Android, iOS, Chrome, Windows. Đặc biệt, bạn có thể kích hoạt máy in đang dùng và biến nó trở thành máy in hỗ trợ Cloud Print để in ấn tiện lợi hơn.
4Công nghệ HP ePrint
Công nghệ in không dây ePrint đến từ hãng HP cho phép người dùng in tài liệu từ bất cứ thiết bị di động nào chạy hệ điều hành Android, iOS, ở bất cứ nơi nào tới các máy in có tính năng HP ePrint.
Mỗi máy in sẽ có 1 địa chỉ email riêng (có thể đặt lại địa chỉ email này tùy thích), người dùng dù ở vị trí cách xa máy in nhưng chỉ cần gửi nội dung cần in đến máy in (đã kết nối mạng internet) qua địa chỉ email là có thể in tài liệu được ngay.
Để tăng độ bảo mật, hạn chế in bừa bãi, lộ thông tin, ePrint có cơ chế giới hạn danh sách email người dùng được ra lệnh in ấn là 500 địa chỉ.
5Công nghệ Wi-Fi Direct
Công nghệ Wi-Fi Direct cũng là một công nghệ in không dây hiện đại thay thế cho công nghệ in truyền thống lỗi thời. Người dùng có thể in tài liệu từ mọi thiết bị di động, bao gồm cả thiết bị chạy hệ điều hành Android, iOS qua máy in ứng dụng công nghệ Wi-Fi Direct.
Khi muốn in ấn với ứng dụng này, bạn chỉ cần kết nối trực tiếp thiết bị với Hotspot có tên máy in (thông thường Hotspot sẽ có thêm chữ Wi-Fi Direct, rất dễ nhận diện) và thao tác in ấn như khi kết nối máy in với mạng Wi-Fi thông thường.
Một số máy in sẽ có kích hoạt sẵn tính năng Wi-Fi Direct hoặc bạn có thể bật bằng nút trên máy in hay trong trình đơn.
6Công nghệ iPrint & Scan
iPrint & Scan là công nghệ in không dây của hãng Brother hỗ trợ người dùng in ấn tài liệu dễ dàng thông qua các thiết bị di động chạy hệ điều hành iOS, Android, Windows, Fire đến máy in Brother có tính năng iPrint & Scan.
Khi chạy ứng dụng iPrint & Scan trên thiết bị di động, nó sẽ tự động tìm kiếm và kết nối với máy in Brother qua mạng không dây nội bộ, sau đó người dùng chọn tài liệu và dễ dàng in ấn. Ngoài ra, thông qua ứng dụng này bạn còn có thể chia sẻ tài liệu qua mạng xã hội, email…
Qua bài này, bạn đã hiểu sơ về các công nghệ in không dây trên máy in chưa? Muốn chia sẻ ý kiến của bạn về chủ đề này, viết bình luận vào khung bên dưới ngay.